• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

6 nhóm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022

Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ rất phức tạp, nặng nề; cần tập trung 6 nhóm nhiệm vụ; cố gắng cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, đánh giá về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, năm 2021, những thiệt hại do thiên tai gây ra giảm đáng kể so với năm 2020. Số người chết, mất tích do thiên tai là 108 người, giảm 70% so với năm 2020. Thiệt hại về tài sản 5.200 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020. "Đây là năm thiệt hại do thiên tai gây ra thấp nhất trong hàng chục năm vừa qua", Phó Thủ tướng nói.

Trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45-50 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2017 thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân, Phó Thủ tướng chỉ rõ, nguyên nhân khách quan là sự may mắn của năm 2021, số cơn bão, sự cố thiên tai ít hơn, mức độ nhẹ hơn so với các năm trước. Nguyên nhân chủ quan, là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, lực lượng vũ trang, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các địa phương và toàn hệ thống chính trị cơ sở.

Bên cạnh đó, có vai trò rất tích cực của các tổ chức quốc tế, trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin cảnh báo, tuyên truyền kịp thời. Đặc biệt quan trọng là sự cố gắng, tinh thần tự giác của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, Phó Thủ tướng đã nêu rõ một số tồn tại lớn cần quan tâm trong giai đoạn tới. Đó là công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa.

"Đợt mưa lũ trái quy luật ngay trong thời gian mùa khô ở các tỉnh Nam Trung Bộ vừa qua, nếu chúng ta có thể dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn, chắc chắn thiệt hại về tài sản của nhân dân đã được giảm nhẹ hơn", Phó Thủ tướng nói.

Công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt.

Việc chấp hành quy định vận hành liên hồ chứa chưa nghiêm; việc thông báo cho chính quyền địa phương, người dân khi xả lũ ở một số hồ chứa chưa kịp thời, đúng quy định hoặc hình thức thông báo chưa phù hợp, kịp thời dẫn đến bị động trong ứng phó.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ, nhiều trường hợp ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi.

Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, "chúng ta phải xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là rất phức tạp, nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và của mỗi người dân".

Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

"Trước hết, phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ và nguồn lực đầu tư lớn.

"Ngày 21/4/2022, tôi đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại, đồng bộ, tự động hóa, tích hợp đa mục tiêu, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển. Yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thứ hai, với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước.

Đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn, giảm rủi ro khi xảy ra thiên tai. Ngay sau hội nghị này, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan (nhất là NN&PTNT, Công Thương, GTVT) và các địa phương để khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai năm 2022 để đánh giá mức độ an toàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những tồn tại, sự cố, hư hỏng của công trình đê điều, hồ đập, công trình giao thông,... bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa lũ.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố.

Củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở (lực lượng trực tiếp nhất, có trách nhiệm xử lý theo phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra thiên tai, sự cố). Bên cạnh đó, cũng phải từng bước xây dựng một lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó với các tình huống phức tạp.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Thứ năm, quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai. "Đầu tư cho phòng, chống thiên tai là đầu tư cho phát triển bền vững", Phó Thủ tướng nói. Ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục sự cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt,...

Thứ sáu, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát, hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành ngay đầu tháng 5/2022.

"Chúng ta sẽ cùng cố gắng cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phấn đấu năm 2022 thiệt hại về người, về tài sản thấp hơn năm 2021", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật