Xuất khẩu cá tra: “Bứt tốc” để khai thác lợi thế từ thị trường
Tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông... giảm mạnh.
Nhiều lạc quan trong năm 2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam, tháng 1/2022, XK cá tra trong nước đã thực sự hồi phục sau Covid-19 với tổng giá trị đạt 213,6 triệu USD, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK ở hầu hết các thị trường XK lớn đều tăng trưởng dương khả quan. Tất cả các thị trường đều hồi phục sau khi Covid được kiểm soát.. Bên cạnh sự phục hồi các thị trường truyền thống, mức tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường mới nổi gần đây sẽ góp phần vào sự hồi phục của ngành cá tra trong năm 2022 và các năm tới.
Xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so năm 2021 |
Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo Tổng cục Thủy sản, sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thanh kiểm tra trực tiếp của Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại. Mặt khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248, về quy định đăng ký doanh nghiệp XK nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc và Lệnh 249 về biện pháp quản lý giám sát an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc dựa trên nguyên tắc “An toàn là trên hết, phòng ngừa trước, quản lý rủi ro, kiểm soát toàn bộ quy trình và đồng quản trị quốc tế” có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 có thể sẽ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh trong đó có cá tra.
Hiện nay cả nước có gần 120 cơ sở chế biến XK cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,8 triệu tấn nguyên liệu/năm, hầu hết các cơ sở nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường XK. Thiết bị, công nghệ sản xuất phụ phẩm dầu cá và bột cá tra tương đối hiện đại và đồng bộ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơ cấu sản phẩm XK chưa hợp lý, hiện sản phẩm đông lạnh chiếm đến trên 86% (phi lê, nguyên con, cắt khúc). Các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng. Chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều. Thiếu công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu thị trường. Mặt khác, do cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới chất lượng sản phẩm bị giảm sút….
Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu
Phát triển thị trường xuất khẩu cho cá tra Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa cho rằng, cần nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra thông qua việc tăng cường công tác đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng. Quản trị sản xuất tốt và áp dụng các biện pháp để giảm giá thành trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra. Triển khai quyết liệt Đề án sản phẩm quốc gia cá da trơn Việt Nam với 2 nội dung quan trọng là nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cá tra.
Về thị trường XK, ông Lê Thanh Hòa cho hay, Trung Quốc không còn là thị trường chất lượng thấp. Do đó, các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt các cơ sở gia công, chế biến cá tra để đảm bảo chất lượng cá tra XK. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cần kiểm soát chặt chẽ sự hiện diện của virus Covid-19 trên sản phẩm và bao bì. Tăng cường tận dụng C/O mẫu E để nhận ưu đãi từ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, tăng tỷ lệ XK chính ngạch.
Về phía cơ quan chức năng, cần tổ chức phổ biến các quy định về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác và thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Triển khai tốt Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Trung, tiếp tục trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc tạo thuận lợi thương mại biên giới. Tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc mở rộng công nhận các vùng, cơ sở nuôi, chế biến làm cơ sở cho việc cấp chứng thư cho thủy sản XK sang thị trường này.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, cần chuẩn bị hồ sơ pháp lý về việc Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với cá tra XK của Viêt Nam và Chương trình thanh tra cá da trơn vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, động thái của Hoa Kỳ liên quan đến việc kiểm soát chặt chẽ mức dư lượng các hoạt chất đối với thủy sản nhập khẩu.
Đối với thị trường EU, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh thân thiện của cá tra Việt đến người tiêu dùng. Tuân thủ quy tắc xuất xứ để hưởng lợi về thuế trong quá trình thực thi EVFTA. Theo dõi sát diễn biến tình hình, động thái của EU liên quan đến việc tăng mức độ dư lượng tối đa (MRL) các hoạt chất đối với nông sản nhập khẩu. Về phía cơ quan chức năng cần trao đổi, làm việc với phía EU đề nghị hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản đáp ứng các quy định của EU.
Riêng đối với thị trường Brazil, đây là một trong những thị trường lớn của cá tra Việt Nam, yêu cầu chất lượng rất cao và sẵn sàng trả giá cao hơn các thị trường khác. Do vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường tiếp cận, đáp ứng các yêu cầu, quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam phục hồi, tăng trưởng tốt, trong đó, nhóm 4 thị trưởng chính gồm: Trung Quốc, Mỹ, CPTPP và EU chiếm 73,6% đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Giá cá XK dự báo sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, logistics, lao động… XK cá tra năm 2022 dự báo tăng 20-22% so năm 2021. |