Việc mở rộng đường Láng để giảm ùn tắc giao thông chỉ là giải pháp tình thế
Các chuyên gia cho rằng, việc mở rộng đường Láng để giảm ùn tắc giao thông chỉ là giải pháp tình thế. Cần có giải pháp giao thông đồng bộ như phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân thân thiện với môi trường,...
Đường Láng từng mở rộng nhiều lần nhưng vẫn ùn tắc
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội mới có báo cáo UBND TP Hà Nội việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng). Trong đó, tổng mức đầu tư cải tạo, mở rộng đường dưới thấp và xây mới cầu cạn trên cao đường Láng với tổng mức đầu tư dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.
Riêng việc mở rộng đường Láng dưới thấp dài 3,8km với chi phí dự kiến hơn 17.000 tỉ đồng, trong đó 16.700 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng và 541 tỉ đồng cho việc xây lắp.
Hiện tại, chiều rộng mỗi bên đường Láng là 10,5m. Sau khi cải tạo, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị. Theo Sở GTVT Hà Nội, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Việc thực hiện dự án trên nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.
Liên quan đến đề xuất này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: “Đường Láng từng đã mở rộng một số lần, nhưng vẫn xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Đây là vấn đề nhức nhối tại khu vực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng đường Láng sẽ góp phần giải quyết vấn đề này, giúp lưu thông hàng hóa và di chuyển của người dân thuận lợi hơn. Đường Láng là một trong các tuyến đường huyết mạch, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Việc mở rộng đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Tuyến đường này đi song song với sông Tô Lịch. Việc mở rộng đường sẽ đi kèm với việc cải tạo, chỉnh trang khu vực này sẽ có thể tạo ra một cảnh quan đẹp, góp phần tạo nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại hơn".
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Đức, việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường sẽ dẫn đến việc phá dỡ nhà cửa, cây xanh, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và chất lượng không khí. Nên di chuyển cây hơn là chặt bỏ.
"Một trong các mối quan tâm của người dân là chi phí giải phóng mặt bằng - dù ước tính- cũng đã quá lớn. Trước đây, hai bên đường Láng đã có khoảng đất lưu không khoảng 15-20m. Sau mấy lần mở rộng, khoảng lưu không này cũng không còn nữa. Đây là bài học đắt giá về quy hoạch đô thị. Dù phương án thế nào cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước. Quá trình thi công có thể gây ra tiếng ồn, bụi bặm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của người dân. Nhưng đơn vị thi công có thể giảm thiểu và người dân cũng có thể thông cảm ở một mức độ nhất định", TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Hữu Đức lưu ý: "Việc mở rộng đường chỉ là giải pháp tình thế, cần có giải pháp giao thông đồng bộ như phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân thân thiện với môi trường,... để giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ. Một số ý kiến cho rằng mở rộng đường Láng rồi phương tiện cá nhân phát triển như hiện nay rồi sẽ gây ùn tắc trở lại. Về vấn đề này, quan trọng là sau khi mở rộng, sẽ tổ chức giao thông theo nguyên tắc ưu tiên giao thông công cộng. Có thể và cần dành làn riêng cho xe buýt hay BRT, điều mà TP Hà Nội muốn làm từ lâu nhưng không dễ thực hiện".
Ngoài ra, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh về việc cần có biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công, cũng như có kế hoạch trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan sau khi hoàn thành dự án. Có những phần việc phải kết hợp đồng bộ với việc cải tạo sông Tô Lịch. Chẳng hạn, kết hợp xóa bỏ việc xả nước thải ra sông như hiện nay. Cần có chính sách hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
"Các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố trước khi đưa ra quyết định. Việc triển khai dự án cần đảm bảo giải quyết được những vấn đề về môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến người dân và có giải pháp giao thông đồng bộ để đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Cần áp dụng cơ chế cho người dân tái định cư tại chỗ
Trao đổi với phóng viên, Ths Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch quản lý giao thông vận tải (Khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết, đặc trưng của giao thông Hà Nội là các trục hướng tâm và vành đai. Riêng vành đai đóng vai trò rất quan trọng để kết nối các tuyến, giúp người dân lưu thông giữa các khu vực, đặc biệt giữa ngoại ô và trung tâm.
"Do vậy, việc cải tạo tuyến đường Láng từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, đồng bộ tuyến vành đai 2 giúp Hà Nội khai thác tuyến này một cách hiệu quả hơn và là việc Hà Nội phải làm. Một trong số nguyên nhân đường Láng thường xuyên ùn tắc là tốc độ lưu thông của phương tiện ở hai đầu tuyến quá nhanh, do từ điểm đầu vành đai đến Ngã Tư Sở và từ Cầu Giấy đến điểm cuối vành đai đều đã hoàn thiện. Chỉ còn nút thắt ở giữa hai đầu mối này. Hà Nội muốn làm đường trên cao thì bắt buộc phải mở rộng cả đường dưới thấp để lấy không gian đặt trụ cầu, các điểm lên xuống. Nhưng làm như thế nào, mở rộng ra sao thì lại là một bài toán mà thành phố thực sự phải tính", Ths Vũ Anh Tuấn nêu quan điểm.
Một trong những thách thức lớn nhất, được Ths Vũ Anh Tuấn chỉ ra là công tác giải phóng mặt bằng. Điều này cũng thể hiện qua tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu có đến 90% là chi phí dành cho giải phóng mặt bằng. Còn lại, việc làm cầu vượt, hầm chui, hay các hạng mục mang tính kỹ thuật đều không phải vấn đề. Trong đề xuất của dự án này, tổng mức đầu tư dự án ước tính dành hơn 16.700 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, gấp hơn 30 lần chi phí xây lắp (541 tỷ đồng)
Ths Vũ Anh Tuấn cho rằng, con số trên không vô lý, bởi đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng hiện rất cao do quỹ đất trong các đô thị lớn có hạn. Nhưng theo Ths Vũ Anh Tuấn, Hà Nội có thể tận dụng chi phí này một cách hiệu quả hơn, bằng giải pháp mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng lên vài trăm mét thay vì chỉ 30m. Đồng thời, áp dụng cơ chế cho người dân tái định cư tại chỗ: "Bằng cách này, thay vì chỉ nghĩ đến việc mở rộng đường, thành phố có thêm cơ hội để tái thiết đô thị trở nên đồng bộ, đẹp đẽ hơn. Người dân sống sâu trong các ngõ hẻm dọc tuyến đường cũng có cơ hội được sống trong một môi trường đô thị đồng bộ, nhiều tiện ích hơn".
Theo ông, nhiều quốc gia đã làm rất thành công trong việc kết hợp tái thiết đô thị với việc xây dựng các hạ tầng giao thông trọng điểm, Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi. Nhưng muốn làm được, từ phía quản lý nhà nước, quản lý đô thị phải xây dựng được các cơ chế về thu hút và sử dụng nguồn vốn, cũng như tái đầu tư và hoàn trả lại, đồng thời xem xét về cơ chế tái định cư tại chỗ cho người dân.
Tại văn bản phản hồi mới nhất, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại Quyết định số 5677, Sở GTVT đang nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng). Các thông tin hiện nay mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ ban đầu.
Đây là dự án đầu tư quan trọng, phức tạp, có tác động lớn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Phương án đầu tư, quy mô đầu tư cụ thể của dự án sẽ được đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, đánh giá đề xuất các phương án khác nhau đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật để lựa chọn phương án tối ưu.
Theo Sở GTVT Hà Nội, trong mọi trường hợp, hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án sẽ phải được Hội đồng thẩm định thông qua và được HĐND TP ra nghị quyết chấp thuận chủ trương làm cơ sở triển khai thực hiện.
Hiện nay hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu chưa được trình thẩm định. Sau khi hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được lập, trình thẩm định và phê duyệt, Sở GTVT sẽ tiếp tục thông tin cụ thể về quy mô, định hướng đầu tư dự án.
Sở GTVT Hà Nội sẽ đưa ra nhiều phương án và lựa chọn phương án phù hợp khả thi, có tính kinh tế và hiệu quả nhất. Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là việc đầu tư mở rộng tuyến đường này phải đi cùng với bảo tồn hàng cây xà cừ lâu năm nằm dọc đường Láng.
Một trong những phương án đang được Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu là mở rộng tuyến đường Láng về phía sông Tô Lịch. Phương án này được đánh giá giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm thiểu những tác động có thể gây xáo trộn đến đời sống của hàng nghìn hộ dân ven đường Láng.
Hai phương án khác cũng được Sở GTVT Hà Nội cân nhắc là chỉ làm đoạn trên cao về phía sông Tô Lịch để không phụ thuộc dự án mở rộng đường dưới thấp; hoặc làm đường sắt đô thị thay vì mở rộng tuyến đường này...