• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Nghị quyết 98, diện mạo giao thông TP.HCM sắp tới ra sao?

Nhiều “điểm nghẽn” về giao thông sẽ được gỡ bỏ với hàng loạt dự án triển khai áp dụng chính sách đột phá từ Nghị quyết 98.

Gần hai tháng Nghị quyết (NQ) 98 của Quốc hội được ban hành, TP.HCM đã bắt tay ngay vào thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM theo NQ này. Riêng ngành GTVT TP được kỳ vọng sẽ có những phát triển đột phá về hạ tầng giao thông hiện đã có những bước chuẩn bị để khi HĐND TP thông qua sẽ chính thức bắt tay vào triển khai.

Ông Phan Công Bằng, P Giám đốc Sở GTVT TP.HCM (ảnh), đã có những trao đổi cụ thể với Pháp Luật TP.HCM về kế hoạch thực hiện nhiều dự án trọng điểm được áp dụng theo NQ 98.

Ngành GTVT khởi động Nghị quyết 98

. Phóng viên: Thưa ông, ngành GTVT TP.HCM đã có những chuẩn bị nào để áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của NQ 98?

+ Ông Phan Công Bằng: Sở GTVT đã nghiên cứu, tham mưu trình UBND TP.HCM các nội dung được áp dụng theo NQ 98. Cụ thể là danh mục các dự án BOT (dự kiến sẽ trình HĐND TP.HCM trong tháng 9), xây dựng đề án thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), đề xuất danh mục đầu tư theo hình thức BT trả chậm bằng tiền, nghiên cứu thí điểm bãi đậu xe cao tầng có thời hạn trên đất do Nhà nước quản lý, giảm khí thải ở TP.HCM…

 

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

. Sẽ có hàng loạt “điểm nghẽn” về giao tại TP được khơi thông phải không, thưa ông?

+ Hiện nay, TP.HCM có năm dự án BOT trên đường hiện hữu sẽ trình HĐND TP trong tháng 9 gồm: mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An), Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến đường vành đai 3), Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu), trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) và dự án cầu đường Bình Tiên đi qua quận 6, 8 và huyện Bình Chánh, kết nối với đường vành đai 2 và Quốc lộ 50.

Đối với dự án BT, TP sẽ ưu tiên những tuyến đường mới, tạo ra quỹ đất, nguồn lực để khai thác, mở rộng không gian đô thị của TP, các khu công nghiệp, tạo nguồn lực để đầu tư cho những dự án khác. Tất cả sẽ được nghiên cứu, ưu tiên để trình một danh mục cụ thể lên HĐND TP, song ưu tiên các tuyến đường phát triển không gian đô thị.

Quốc lộ 13 là một trong năm dự án cửa ngõ được ưu tiên thực hiện trước theo hình thức BOT. Ảnh: ĐT

Đối với các dự án triển khai TOD, Sở GTVT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, chính quyền địa phương và hoàn thiện trình UBND TP. Dự kiến mô hình TOD sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 ưu tiên thực hiện trước dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và đường vành đai 3. Bởi quỹ đất đã được các địa phương rà soát, xác lập và Sở QH-KT đang phối hợp với các địa phương để điều chỉnh quy hoạch. Sở GTVT cũng có văn bản đề nghị các địa phương có đề xuất danh mục các khu đất và triển khai sớm.

Giai đoạn 2 sẽ triển khai TOD ở những tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch. TP cũng rà soát nghiên cứu, rà soát quỹ đất cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 4 để thực hiện.

. TP.HCM có rất nhiều dự án cần được triển khai nhưng nguồn lực còn hạn chế. Vậy những tiêu chí nào để lựa chọn các dự án ưu tiên thực hiện trước?

+ Có năm cơ sở để đánh giá, ưu tiên những dự án đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu. Đầu tiên là phải ưu tiên giải quyết những tuyến đường cửa ngõ, kết nối vùng trong tình trạng quá tải, kẹt xe. Hơn hết, các tuyến đường này cần kết nối với các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 trong tương lai. Từ đó phát huy được hiệu quả, kết nối với các trục hướng tâm của TP.

Thứ hai là ưu tiên về sự đáp ứng nhu cầu giao thông, theo từng mức độ cụ thể, chẳng hạn như mức độ ùn tắc, tính cấp thiết đầu tư. Tiếp đến là phương án tài chính đối với những dự án BOT, tính khả thi về phương án tài chính của dự án. Thứ tư là khả năng huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vào dự án. Theo đó, nhà đầu tư có khả năng tham gia vốn càng cao thì dự án sẽ càng được ưu tiên.

Cuối cùng là khả năng cân đối vốn ngân sách tham gia dự án. Như vậy, năm dự án trên cũng được lựa chọn dựa trên năm tiêu chí này.

Nhiều đột phá trong thời gian tới

. Được áp dụng cơ chế, chính sách đột phá của NQ 98, diện mạo giao thông TP.HCM trong năm năm tới sẽ thay đổi ra sao?

+ TP kỳ vọng rất nhiều vào các cơ chế, chính sách đặc thù của Nq 98. Với các cơ chế, chính sách đột phá, chắc chắn lĩnh vực giao thông tạo ra những dự án trọng điểm quan trọng của TP như đường sắt đô thị; Quốc lộ 1, 13, 22; cầu đường Bình Tiên… để kết nối với các trục chính đô thị. Qua đó khơi thông tình hình giao thông cửa ngõ, xóa bỏ tình trạng ùn tắc, tạo động lực phát triển hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.

. Có thể thấy ngành GTVT sẽ có khối lượng công việc khổng lồ, thời gian chỉ trong vòng năm năm, vậy ngành giao thông sẽ làm gì để đẩy nhanh thủ tục đầu tư hàng loạt dự án trên?

+ Thành ủy TP.HCM, UBND TP cũng đã chỉ thị lấy cách làm, lấy quyết tâm từ dự án đường vành đai 3 để làm những dự án trong tương lai. Tất cả phải làm chặt chẽ, nhanh và hiệu quả theo đúng quy định và các dự án tới sẽ làm như đường vành đai 3.

Tương tự, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng sẽ được cả hệ thống chính trị vào cuộc, các sở, ngành cùng họp bàn, làm ngày làm đêm và công việc sẽ đẩy nhanh hơn.

Hơn hết, việc thông tin, truyền thông để người dân nắm là vô cùng quan trọng. Bao gồm mục tiêu và ý nghĩa, cơ chế, chính sách, tiến độ cần phải có để cùng đồng hành với chính quyền TP. Với sự đồng hành như vậy, chúng ta sẽ làm được.

Chắc chắn chúng ta sẽ phải thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về việc đầu tư. Song TP cần phải tập trung hết nguồn lực từ con người, ưu tiên cho nhóm công việc quan trọng, cách làm đồng bộ, tránh tình trạng văn bản quá nhiều. Việc nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào cách tổ chức thực hiện giữa các đơn vị với nhau, đây là yếu tố quan trọng để đưa các dự án có về đích được hay không.•

37.000 tỉ đồng cho năm dự án cầu đường cửa ngõ TP.HCM

Năm dự án gồm: mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22; trục đường Bắc - Nam; cầu đường Bình Tiên sẽ được đưa vào nghiên cứu thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỉ đồng. Theo Sở GTVT, năm dự án nêu trên đều nằm tại khu vực cửa ngõ của TP.HCM và đều có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Vì vậy, trong tổng số 107 tuyến đường trục chính có thể áp dụng hình thức BOT từ cơ chế của NQ 98, năm dự án này đã được chọn để làm trước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật