Sau nhiều lần trì hoãn, chậm tiến độ, dự án cao tốc hơn 19.500 tỷ cũng chốt thời điểm khởi công
Đây là 1 trong số các dự án công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, dự án này hiện đang bị chậm so với tiến độ.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là tuyến tiếp nối (dự án thành phần) cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc thuộc công trình cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Dự án sẽ đi qua thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng. Đây là 1 trong số các dự án công trình trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, dự án này hiện đang bị chậm so với tiến độ.
Theo kế hoạch trước đây của tỉnh Lâm Đồng, dự án dự tính được khởi công vào dịp lễ 2/9/2023, sau đó được lùi đến 30/6/2024. Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt quyết tâm cao là phải sớm triển khai đầu tư dự án này, mục tiêu là khởi công trong tháng 12/2024.
Đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài khoảng 74 km, chiều rộng nền đường 17m, với 4 làn xe, có bố trí làn dừng khẩn cấp không liên tục.
Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án là trên 19.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước trên 7.700 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư trên 11.700 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 22 năm 4 tháng.
Trong giai đoạn 1 của dự án, công trình thực theo phương thức đối tác công tư gồm liên danh các nhà đầu tư gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty CP Tập đoàn T&T.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho dự án được triển khai, trong buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng cách đây ít ngày, đại diện FUTA Hạ tầng 6 kiến nghị, trong đó đề cập đến cơ chế chia sẻ doanh thu, tăng tỷ lệ vốn đầu tư nhà nước, bố trí bãi vật liệu, kính phí xây dựng hạ tầng khu tái định cư, thủ tục pháp lý và chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến kiến nghị chia sẻ doanh thu, giữa tháng 5/2024, FUTA Group đã có văn bản gửi tỉnh Lâm Đồng về việc áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương theo phương thức PPP (giai đoạn 1). FUTA Group cho biết, sau khi làm việc với một số ngân hàng, các đơn vị đều yêu cầu dự án phải được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu phù hợp theo quy định của Luật PPP, thì mới có cơ sở xem xét tiếp các điều kiện tài trợ vốn cho dự án.
"Do đó, cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm chỉ nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư với tư cách là một đối tác trong dự án, cân bằng với việc chia sẻ phần doanh thu tăng", văn bản của Futa Group cho hay.
Để đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư, đặc biệt là về vấn đề tỷ lệ vốn đầu tư Nhà nước, trong buổi làm việc, đại diện tỉnh Lâm Đồng đề xuất liên danh nhà đầu tư đoạn Bảo Lộc - Liên Khương cân nhắc áp dụng phương án tương tự như tuyến Tân Phú - Bảo Lộc.
Cụ thể, nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả đã đồng ý giữ nguyên mức đầu tư cho tuyến Tân Phú - Bảo Lộc, không yêu cầu tăng vốn Nhà nước và đề nghị tỉnh làm văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tập đoàn được vay vốn (80%) với lãi suất ưu đãi. Phía Lâm Đồng cũng cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho liên danh nhà đầu tư đoạn Bảo Lộc - Liên Khương triển khai dự án.