Giá cước vận tải có xu hướng "hạ nhiệt" sau 5 lần giảm giá xăng liên tiếp
Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng từ mức cao kỷ lục 32.870 đồng/lít đã giảm gần 10.000 đồng về hơn 23.000 đồng/lít và giá dầu cũng đang giữ xu hướng giảm suốt 2 tháng qua, các doanh nghiệp cho biết, giá cước vận tải, chi phí logistics cũng đã giảm theo, mức giảm cao nhất tới 14%.
Cước vận tải đang hạ nhiệt
Cước vận tải đang hạ nhiệt sau khi giá xăng dầu giảm 5 lần liên tiếp. Theo các cơ quan chức năng, cước vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển cũng đã bắt đầu có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện giảm giá cước vẫn còn khiêm tốn, không ít doanh nghiệp vẫn có tâm lý nghe ngóng chờ đợi các đợt điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Do đó, cần sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị trường.
Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, đến thời điểm này đã có khoảng 30% các đơn vị vận tải trên địa bàn đã kê khai giảm giá cước, mức giảm trung bình từ 5-10%. Sở cũng đã đề nghị các quận, huyện yêu cầu các đơn vị tính toán giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, đặc biệt là những đơn vị từng tăng giá trước đó.
“Chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra những đơn vị tăng giá cước vận tải khi giá nhiên liệu tăng, song khi giá nhiên liệu giảm lại không giảm giá cước”, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết.
Sau 5 lần giảm giá xăng liên tiếp, giá cước vận tải, chi phí logistics cũng đã giảm theo, mức giảm cao nhất tới 14%. Ảnh minh họa |
Đại diện lãnh đạo một công ty vận tải có trụ sở tại Hà Nội cho hay, hiện đơn vị có 60 đầu xe khách chạy các tuyến cố định từ Hà Nội đi một số tỉnh phía Bắc sau khi giá xăng dầu giảm giá doanh nghiệp đã gửi hồ sơ kê khai giảm hơn 8% giá vé, dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 20/8 tới.
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, Tổng công ty đã chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải đường sắt trực thuộc chủ động điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa đường sắt theo biến động giá nhiên liệu và yêu cầu sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, phải thông báo trước, công khai, rõ ràng với khách hàng...
Đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị trường
Nhìn nhận chung về giá cước vận tải trong các lĩnh vực, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong lĩnh vực đường bộ theo cáo nhanh của một số địa phương hiện một số hãng taxi đang kê khai giảm giá cước từ 6-12%, các tuyến vận tải khách cố định cũng đã và đang giảm từ 5-14%.
Việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị trường |
Các lĩnh vực đường sắt, đường biển, hàng không giá cước cũng đang bắt đầu hạ nhiệt. Riêng với đường thủy nội địa từ đầu năm đến nay chưa tăng giá nên không kê khai giảm đợt này.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh: Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các văn bản quy định liên quan đến công tác quản lý giá và điều hành giá;
Đồng thời chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho UBND cấp tỉnh một mặt hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc kê khai giá để đảm bảo tình hình xăng dầu giảm giá; Một mặt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, mặc dù thị trường đã ghi nhận dấu hiệu giảm giá cước vận tải nhưng số lượng doanh nghiệp thực hiện vẫn còn khiêm tốn. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý nghe ngóng chờ đợi các đợt điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo. Do đó, cần có sự vào cuộc hơn nữa của các cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn giá cả thị trường.