Câu chuyện sân bay "có danh mà không phận"
Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, thì hàng không Việt bước vào giai đoạn chạy đà, bứt tốc sau COVID-19, tận dụng cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm để mau chóng mở cửa lại bầu trời thời hậu dịch.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), trong nửa đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng hông đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế 1,8 triệu khách, khách nội địa 38,9 triệu khách, tăng ấn tượng 52,6%.
Ngành hàng không đang có sự trở lại ngoạn mục với đà tăng trưởng mạnh, tín hiệu tốt cho sự phục hồi của nền kinh tế. Đây là điều mà ngành hàng không đã chờ đợi và mơ ước trong suốt hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Mặc dù vây, tình trạng chậm, hủy chuyến bay gia tăng đang gây nhiều bức xúc cho hành khách.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, máy bay vốn là phương tiện di chuyển nhanh nhất nên việc chậm trễ chỉ một vài phút thôi đã gây ra những thiệt hại rất lớn về mặt tiền bạc và thời gian. Đặc biệt trong thời "gạo châu - củi quế" như hiện nay.
Hình ảnh vắng vẻ tại sân bay quốc tế Cần Thơ |
Biết vậy nhưng có một nghịch lý, trong khi các sân bay khác, hành khách phải vật vạ đợi chờ bởi các chuyến "delay" vì nhiều lý do, thì tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đường bay ngoại lại vắng khách.
Cách đây chưa lâu, cao tốc Trung Lương đã thông xe nhưng cảnh các phương tiện ùn tắc, chen chúc vẫn chưa thôi ám ảnh người đi đường. Có mấy ai ngờ được từ TP HCM đi về An Giang, Đồng Tháp có khi đến 9 tiếng mới đến nơi!
Tiền thân của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là sân bay Trà Nóc được xây dựng vào những năm 1960 có đường hạ cất cánh 1.800x30m.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sân bay Cần Thơ do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý. Từ năm 1977 đến 1978, sân bay này chủ yếu được khai thác thực hiện các chuyến bay ngắn từ Tân Sơn Nhất đến Cần Thơ và ngược lại.
Cần phát huy hiệu quả sân bay quốc tế Cần Thơ góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây nói riêng, Việt Nam nói chung |
Từ giữa năm 1978 hoạt động bay dân dụng tại Cần Thơ tạm ngưng cho đến ngày 30/4/1993 do lượng hành khách quá thấp không mang lại hiệu quả.
Năm 2005, dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được khởi công và chia làm 2 giai đoạn, xây dựng trên tổng diện tích là 85,04 ha, với hệ thống nhà hành khách có công suất 2 triệu khách/năm. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn này là 370 tỷ đồng và đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2008.
Giai đoạn 2 gồm mở rộng đường cất cánh, hạ cánh lên 3.000m, xây dựng ga hành khách trong nước và quốc tế có diện tích 19.000m2, xây dựng ga hàng hóa và các hạng mục kỹ thuật phụ trợ khác, vốn đầu tư trên dưới 1.000 tỷ đồng và hoàn thành năm 2010. Sân bay quốc tế Cần Thơ đã chính thức đi vào hoạt động vào ngày 18/12/2010.
Tuy nhiên, từ khi khánh thành và đi vào sử dụng, đến nay sân bay quốc tế Cần Thơ chỉ phục vụ lèo tèo vài chuyến bay nội địa như Cần Thơ - TP HCM, Hà Nội - Cần Thơ và sau này là Cần Thơ - Thanh Hóa, Phú Quốc… nhưng tần suất thưa thớt.
Còn các chuyến bay quốc tế thì ít khác, họa hoằn vào dịp Tết có một vài chuyến từ Đài Bắc, Cao Hùng do hãng hàng không Vietnam Airlines thực hiện theo dạng cho thuê. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có hãng hàng không nào mở đường bay quốc tế.
Một lãnh đạo một doanh nghiệp lớn ở miền Tây cho rằng dịch vụ tại sân bay quốc tế Cần Thơ còn nghèo nàn nên sớm cần được nâng cấp, thu hút các tuyến bay quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây.