Cảnh sát giao thông xuyên đêm xử phạt "ma men" giữa các địa bàn
Xác định công tác đấu tranh với các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông là nhiệm vụ thường xuyên nên lực lượng lượng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã bền bỉ, quyết liệt tuần tra kiểm soát đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn toàn thành phố.
Kiểm tra chéo nồng độ cồn giữa các địa bàn
Với mong muốn xử lý triệt để các vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe, bắt đầu từ đêm 22/9, Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch kiểm tra chéo nồng độ cồn giữa các địa bàn.
Tại đường Kim Mã (Đống Đa, Hà Nội) lúc 10h đêm ngày 22/9, phóng viên ghi nhận hàng xe ô tô nối dài được mời kiểm tra nồng độ cồn. Dù hàng trăm xe được mời vào, nhưng gần như không phát hiện lái xe nào vi phạm nồng độ cồn. Đây là buổi đầu tiên tổ công tác của đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra chéo địa bàn trên đường Kim Mã, tuy nhiên, đánh giá ý thức người dân đã thay đổi rất nhiều.
Tại đường Tố Hữu (quận Thanh Xuân, Hà Nội), tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 9 cũng lần đầu kiểm tra địa bàn này. Dù đã kiểm tra hơn 450 xe ô tô nhưng mới chỉ phát hiện 2 lái xe vi phạm nồng độ cồn.
Lực lượng chức năng kiểm tra thêm 1 bước định lượng để xác định mức độ vi phạm |
Thiếu tá Trần Quang Trinh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 9, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết: "Buổi đầu kiểm tra chéo các địa bàn nhưng dự kiến anh em trong tổ sẽ kiểm tra tới sau 1h sáng hôm sau. Kiểm tra đêm khuya muộn vì giai đoạn từ 0h - 5h sáng là thời gian mà lực lượng có thể bố trí mỏng nhất nên thường nhiều người chủ quan sẽ vi phạm".
Cũng theo Thiếu tá Trần Quang Trinh, nếu trên địa bàn có 1 tổ công tác thì dễ bị các đối tượng thông qua mạng xã hội thông báo giúp cho các lái xe cố tình tránh đi các đường khác; Hoặc khi biết lực lượng đứng chỗ này sẽ đi vào đường nhánh, tuyến đường song song.
“Chính vì thế, chúng tôi thực hiện kế hoạch 148, 14 tổ công tác của Cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ kiểm tra xử lý ở bất kì điểm nào và di chuyển thay đổi địa bàn kiểm tra liên tục. Có những chốt chỉ đứng khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi di chuyển ra điểm khác. Việc làm thay đổi liên tục giúp người vi phạm không thể trốn tránh, coi thường luật giao thông đường bộ", Thiếu tá Trần Quang Trinh nhấn mạnh.
Tại địa bàn kiểm tra của tổ công tác, một lái xe tên H vừa được đo và có phát hiện vi phạm nồng độ cồn chia sẻ: "Tôi uống khoảng 2 ly bia, nghĩ giờ này muộn sẽ không bị lực lượng chức năng đo nồng độ cồn. Hôm nay bị phạt, tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm và không lái xe khi uống bia thế này nữa".
Ý thức của người dân đã dần được nâng cao
Được biết, tổ công tác sẽ kiểm tra theo hình thức định tính và định lượng, nếu như tài xế kiểm tra định tính phát hiện có cồn thì mới phải xuống xe để kiểm tra định lượng. Trung bình mỗi xe kiểm tra mất khoảng 30 giây nên đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông hay phiền hà cho người dân.
Tuy nhiên, theo nhận định của lực lượng chức năng, thời điểm này so với cùng kì 1 năm trước, người dân đã ý thức hơn rất nhiều về uống rượu bia và lái xe. Chính vì thế, tăng cường kiểm tra đêm và chéo địa bàn như thế này lực lượng chức năng cũng mong giảm tuyệt đối luôn không còn ai vi phạm nữa. Quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe cho người dân và mọi người tuân thủ an toàn giao thông.
Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội cũng kì vọng, ngoài việc giúp người dân thay đổi ý thức, việc kiểm tra chéo bất chợt nồng độ cồn buổi đêm cũng sẽ không còn tình trạng xin cho, can thiệp, gọi điện. Ai cũng có thể bị xử lý nếu vi phạm nồng độ cồn, quan trọng nhất là ra đường phải an toàn.
Lực lượng chức năng lập biên bản trường hợp vi phạm nồng độ cồn |
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh có công văn về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe” của Nhân dân Thủ đô.
Công văn nêu rõ, nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ. Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình quản lý vi phạm.
Quá trình xử lý, xác định người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.
Đồng thời, gửi Sở Nội vụ để phục vụ công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
3 tuần xử lý hơn 2.700 tài xế vi phạm nồng độ cồn Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho thấy, qua 3 tuần triển khai các tổ công tác đặc biệt của Cục đã phát hiện xử lý hơn 2.700 tài xế ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, từ ngày 30/8/2023 đến ngày 21/9/2023, các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Bến Tre, Đắk Lắk... Qua đó, các tổ đã trực tiếp kiểm soát 80.560 phương tiện (45.197 xe ô tô, 35.363 xe mô tô và xe máy điện), phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý 2.890 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, đối với vi phạm về nồng độ cồn có tới 2.762 “ma men” bị xử lý với 741 tài xế ô tô, 2.013 tài xế mô tô và 8 người lái xe máy điện. Quá trình lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cũng có 31 trường hợp (9 ô tô, 21 mô tô, 1 xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Ngoài ra còn nhiều lỗi vi phạm khác về ma túy, quá khổ quá tải… |