• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phim "Lối về miền hoa": Màn dạy con "đỉnh cao" của chú Lâm

Là nhân vật phụ nhưng chú Lâm ở “Lối về miền hoa” đã khiến nhiều bậc cha mẹ thích thú bởi cách dạy con có cương, có nhu, lạt mềm buộc chặt.

Ông bố quốc dân thấu tình đạt lý

Ngoài câu chuyện lập nghiệp và nỗ lực của những người trẻ trong “Lối về miền hoa”, bộ phim cũng truyền tải nhiều thông điệp tích cực khác. Đáng nói nhất có lẽ là câu chuyện một mình nuôi dạy cậu con trai của ông Lâm. Bởi vậy mới nói, sinh con ra đã khó, nuôi lớn con trở thành một người có ích còn khó hơn gấp bội phần.

Trong phim, diễn viên Thanh Bình vào vai chú Lâm “gà trống nuôi con”. Cũng vì thế mà ông dành hết tình yêu thương cho Lợi – đứa con trai nghịch ngợm. Vừa làm cha, làm mẹ và làm bạn của con, nhân vật chú Lâm đã khiến khán giả thích thú vì cách dạy con khéo léo, hài hước, không “đao to búa lớn” mà con vẫn sợ.

Từng có quá khứ quan hệ với dân xã hội, hiểu đời và trải đời cũng nhiều, chú Lâm chọn gia đình là điều cần vun vén hơn tất thảy. Cũng vì thế mà ông không lăn lộn bên ngoài, về chăm sóc và bán cây cảnh, kinh tế giàu có nhất làng.

Dù Lợi – con trai ông không có công việc ổn định, không học hành đến nơi đến chốn, có ham chơi, lêu lổng nhưng bản chất vẫn là người tốt tính, thật thà và ngay thẳng.

Hiểu được tính cách ấy, ông Lâm dạy con theo cách lạt mềm buộc chặt, có cương mà vẫn nhu. Biết con làm sai, ông Lâm cũng có lúc không giữ được bình tĩnh, chửi mắng con nhưng cuối cùng thì ông lại rơi nước mắt tự trách chính bản thân mình.

Trong tập phim Lợi cầm cố ô tô để làm ăn rồi bị lừa để đến lúc phải đi gạt người khác. Mặc dù bình thường hay chiều con nhưng khi Lợi sai trái, ông bố này thay vì đánh con đã đưa gậy và bảo: “Anh đánh tôi đi. Tôi già rồi mà không dạy dỗ anh thành con người đàng hoàng, đánh chết tôi đi cho đáng đời… Trên đời này khốn nạn nhất là bọn lừa đảo”.

Đây là cảnh được cho là đắt giá về tình cha con, cách giáo dục khéo léo của một người cha. Bởi nuôi con khôn lớn lại chính mắt chứng kiến cảnh con mình đi lừa người ta, còn gì đau hơn kia chứ? Cầm trên tay chiếc roi nhưng lại bảo con làm đau mình.

Điều này thể hiện, ông đã bị dồn nén bao nhiêu thất vọng. Bây giờ thì lại tự trách bản thân không biết dạy con. Có lẽ thế, sau những vấp ngã, thất bại, Lợi càng thấy bố là người chí lý.

Lợi lớn lên trong tình yêu thương và sự giáo dục vô cùng tinh tế của bố. Vì thế, trong cái sự nghịch ngợm, nóng nảy của mình, anh vẫn là người lương thiện, biết sợ bố chứ không ngỗ ngược. Lợi cũng hiểu được tấm lòng và tình yêu thương của bố dành cho mình. Anh cũng nhận ra những điều bố dạy là không bao giờ thừa.

Chưa hết, tâm lý khi quan sát chuyện tình cảm của con trai, ông chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo. Khi thất tình, con trai đau khổ, thất vọng ra mặt thì chính ông lại là người buông phao vớt con lên khỏi những buồn bã, chán chường.

Ông Lâm bảo: “Mày còn non và xanh lắm con ạ. Mới nếm tí thất bại với đàn bà mà đã bết bát thế rồi. Trong rừng, trăm cây không cây nào giống cây nào cả.

Mày lớn lên như cành cây ngọn cỏ ngoài đồng, còn thằng Nghĩa như cây trong nhà kính được chị nó bao bọc. Nhìn bề ngoài nó hơn mày thật đấy nhưng không phải mày không có ưu điểm gì. Vô lo vô nghĩ cũng là một ưu điểm”.

Điều đó cho thấy, ông Lâm không chỉ hiểu con, nhìn thấu lòng người mà còn là người cha biết cách động viên, thấu tình đạt lý. Nhiều người còn gọi nhân vật Lâm là “ông bố quốc dân”.

Những pha tán gái thú vị


Diễn viên Thanh Bình và Đàm Hằng trong phim “Lối về miền hoa”.

Trong phim, Thanh Bình không chỉ ghi điểm với hình ảnh một ông bố giàu có, yêu thương con cái, mà còn là hình ảnh một ông chú vui vẻ, dí dỏm và đầy tinh tế. Đặc biệt là khi theo đuổi cô Hoa. Đây là cô gái quê U40 lỡ thì nhưng xinh đẹp, dịu dàng, hiểu chuyện. Vì dành hết tình cảm, chăm lo cho em trai nên Hoa trở nên lỡ dở, chọn ở vậy và sống vui với gánh hàng hoa tươi ở chợ quê.

Ông bố này vì say mê cô Hoa đã có nhiều màn chinh phục tinh tế, tình nguyện cho mượn chỗ bán hàng không tính phí, mang dù che nắng, pha nước cam, đóng lại bàn ghế, dọn hàng mỗi ngày giúp cô Hoa. Mỗi lần, cô bị ế hàng, chú Lâm tình nguyện mua hết số hoa tồn đọng để ủng hộ.

Ngay cả khi bị từ chối tình cảm, chú Lâm cũng giữ thái độ bình tĩnh, tiếp tục kiên trì. Ông tận dụng hết mọi khả năng của mình để lấy lòng người mình thích. Lâu dần, cô Hoa cũng mở lòng trước ông bố chân thật và ấm áp này.

Ở những diễn biến gần đây của phim, cặp đôi trung niên là cô Hoa và chú Lâm chiếm trọn sự yêu thích của khán giả bởi sự dễ thương, nét diễn duyên dáng. Hầu hết, những phân cảnh cưa cẩm của chú Lâm và cô gái này đều khiến khán giả thích thú. Đó là sự mộc mạc, gần gũi và hài hước rất đời thường mà cũng dung dị chốn thôn quê.

Mặc dù không thường xuyên tham gia diễn xuất ở mảng phim truyền hình nhưng cả Thanh Bình và Đàm Hằng đều nhận được sự đón nhận nồng nhiệt cho lần tái xuất này. Cặp đôi nhận được nhiều lời khen ngợi trên fanpage chính thức của phim bởi cách diễn xuất, tạo nét riêng cho nhân vật cũng như sự phối hợp tự nhiên ăn ý.

Thậm chí, trên trang fanpage của phim, nhiều khán giả chia sẻ, đây là cặp đôi được yêu thích nhất. Có người còn mong muốn đổi tên phim thành “chuyện tình chú bán cây và chị bán hoa”.

“Phim hay, thích chú Lâm quá, Thanh Bình vào vai quá đạt, diễn cứ như không diễn”; “Dàn diễn viên phim này quá hay luôn, diễn xuất không chê vào đâu được, ưng nhất vẫn là chú Lâm, mỗi lần phim phát sóng phải mang vở ra ghi lại lời thoại học chú Lâm cách tán gái”… Đó là những lời khen của khán giả dành cho nghệ sĩ Thanh Bình.

Diễn viên Thanh Bình (50 tuổi) chủ yếu hoạt động ở sân khấu kịch. Suốt 29 năm qua, anh công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Trước vai Lâm, Thanh Bình từng tham gia một số bộ phim truyền hình nhưng chủ yếu đảm nhận các vai phụ ít đất diễn như: “Ngã ba thời gian”, “Bức chân dung tình yêu”… Tên tuổi của anh được khán giả chú ý chỉ khi vào vai ông Lâm – trong bộ phim “Lối về miền hoa”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật