Nữ nghệ sĩ Táo Quân 17 tuổi đã lọt top 15 Hoa hậu Việt Nam và lý do chưa được phong NSƯT ở tuổi 49
Vân Dung thấy vậy cũng đi thi cùng cho vui nhưng không ngờ lại lọt hẳn top 15 nhờ nhan sắc diễm lệ.
17 tuổi đã lọt top 15 Hoa hậu Việt Nam nhờ nhan sắc diễm lệ
Nghệ sĩ Vân Dung tên đầy đủ là Lê Vân Dung, sinh năm 1975, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Thái Nguyên. Mẹ cô là diễn viên còn bố là đạo diễn của Đoàn ca múa Tây Bắc.
Được thừa hưởng gen nghệ thuật từ bố mẹ, Vân Dung từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu và đam mê diễn xuất. Mới 4 tuổi, cô đã thích chơi đóng kịch cùng chị gái, hóa thân làm các nhân vật cổ tích. Tới 5 tuổi, Vân Dung bắt đầu biểu diễn cho bạn bè bố mẹ ở đoàn ca múa nhạc Tây Bắc xem. Ngay từ lúc đó, cô đã diễn xuất tự nhiên và hài hước, được các nghệ sĩ trong đoàn khen thưởng, thích thú.
Chính sự khích lệ từ ban đầu đó đã nuôi dưỡng ước mơ, đam mê trong Vân Dung. Cô cũng được bố mẹ dẫn dắt, chỉ dạy nhiều về nghề nghiệp từ sớm. Tuy vậy, trong giai đoạn khó khăn, Vân Dung cũng phải đi làm phụ giúp gia đình, mót lúa, mót ngô, ăn chung một chiếc bánh mì buổi trưa với chị gái. Những kinh nghiệm sống đó in sâu trong cô để tạo nên chất dân dã trong cách diễn hài sau này.
Khi Vân Dung học lớp hai, cả gia đình cô chuyển về Hà Nội, ở trong một căn nhà chật hẹp. Lúc này, cô phải gánh tới 20 thùng nước cho gia đình sinh hoạt mỗi ngày và biết nấu cơm, quét nhà, đỡ đàn cha mẹ.
Dù cuộc sống vất vả, nhưng Vân Dung chưa bao giờ quên đam mê diễn xuất. Học hết cấp hai, cô chuyển về học văn hóa và chuyên môn tại nhà hát Tuổi Trẻ để được theo đuổi đam mê, học cùng khóa với diễn viên Đức Khuê, Nguyệt Hằng, Hồng Hạnh…
Năm 1992, chị gái Vân Dung là Vân Trang đăng ký đi thi Hoa hậu Việt Nam. Cô thấy vậy cũng đi thi cùng cho vui nhưng không ngờ lại lọt hẳn top 15. Vân Dung cũng là thí sinh trẻ nhất được lọt top năm đó. Tuy nhiên, cô chỉ coi thi hoa hậu như cuộc dạo chơi, không phải đam mê của mình. Và đó cũng là cuộc thi Vân Dung đoạt giải cao nhất trong suốt sự nghiệp.
Vân Dung luôn xác định rõ đam mê, sự nghiệp của mình là sân khấu, nên sau khi học xong liền vào Nhà hát Tuổi trẻ. Với nhan sắc của mình, ai cũng nghĩ nữ nghệ sĩ sẽ theo chính kịch, nhưng cô lại bén duyên với hài kịch để thể hiện rõ cá tính của mình.
Nhưng Vân Dung vẫn kiên trì theo đuổi hài kịch và tự tạo nên thương hiệu riêng cho mình bằng lối diễn đanh đá, chanh chua, nói nhiều đi kèm hình ảnh gầy như "cá mắm" cùng nốt ruồi điêu độc đáo.
Từ top 15 Hoa hậu Việt Nam, Vân Dung tự làm "xấu" ngoại hình của mình trên sân khấu bằng đủ biểu cảm nhăn nhó để gây cười. Nữ nghệ sĩ không hề ngại ngùng mà còn thích thú khi được vào vai xấu, vai hề để đem lại cho khán giả những trận cười sảng khoái. Theo cô, cái xấu xí, đỏng đảnh cũng có giá trị riêng của nó, đặc biệt với nghệ thuật hài kịch. Nó giúp nêu bật lên chất trào phúng, châm biếm.
Vân Dung bắt đầu được khán giả biết tới khi tham gia chương trình Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ. Tiếp đó, cô đến với Gặp nhau cuối tuần và gây dấu ấn mạnh mẽ với khán giả khi diễn bộ ba cùng nghệ sĩ Phạm Bằng và nghệ sĩ Quốc Khánh. Lúc này, tên tuổi Vân Dung vang khắp cả nước.
Vân Dung cũng là một trong những nghệ sĩ gắn bó lâu bền nhất với Táo quân và in dấu hình ảnh trong ký ức nhiều thế hệ khán giả với vai Táo y tế. Đến giờ, cô luôn được xem là nữ danh hài hàng đầu miền Bắc.
Tuy nhiên, Vân Dung cũng là nghệ sĩ duy nhất trong dàn gạo cội thế hệ đầu của Táo quân chưa được phong tặng danh hiệu NSƯT.
Khi được hỏi có chạnh lòng vì điều này không Vân Dung nói: "Không, tại sao tôi phải sốt ruột nhưng người hâm mộ của tôi cũng có hỏi vì sao tôi chưa được xét tặng NSƯT hay NSND.
Anh Đỗ Thanh Hải cũng động viên nhiều lắm vì trong nghề của mình danh hiệu chính là sự tôn vinh và sự ghi nhận công lao đối với những năm tháng làm nghệ thuật. Anh ấy cũng nói rằng nếu tôi không thi thì sẽ thiệt thòi. Nhưng tôi chỉ nghĩ một điều rằng khán giả yêu thương mình là được rồi, thế nên tôi cứ thờ ơ với tất cả cuộc thi".