Lê Cát Trọng Lý và những ca khúc Việt cổ
Đam mê những tiếng rao, Lê Cát Trọng Lý đã đi khắp nơi để “sưu tầm” thứ lôi cuốn ấy với mong ước cho ra đời “Những ca khúc Việt cổ”.
Vỗ về vẻ đẹp xưa cũ
Đầu năm 2022, Lê Cát Trọng Lý thông báo trên fanpage rằng, bản thân muốn triển khai một dự án và cần sự ủng hộ của cộng đồng. Theo đó, Lê Cát Trọng Lý một lần nữa kết hợp với người cộng sự quen thuộc, nhà soạn nhạc, phối khí Nguyễn Thanh Tú tìm kiếm những khúc hát ru, khúc ca cổ của các dân tộc trên khắp đất nước để thu âm lại.
Lê Cát Trọng Lý chia sẻ: “Từ lâu, Lý đã có niềm thích thú và bị hấp dẫn bởi những khúc nhạc dân gian cổ, những bài đồng dao, những bài hát ru, những tiếng rao, thậm chí tiếng than khóc thành nhạc. Dù đi đến nơi đâu trên thế giới, thứ lôi cuốn Lý vẫn là những khúc hát ấy”.
Năm 2022, Lê Cát Trọng Lý muốn triển khai một dự án và cần sự ủng hộ của cộng đồng. Đó là sẽ đi dọc đất nước, tìm lại những khúc hát ru, những khúc ca cổ của các dân tộc anh em.
Sau đó, thu âm lại, giữ nguyên giai điệu gốc. Nhạc sĩ trẻ cũng sẽ viết thêm một phiên bản lời Việt. Còn Tú sẽ chuyển soạn và phối khí các khúc ca Việt cổ lại cho dàn nhạc chơi cùng Lê Cát Trọng Lý để ngôn ngữ dễ dàng đến với tất cả mọi người. Dự kiến, sản phẩm sẽ hoàn thiện vào giữa năm 2022.
Theo đó, “Những ca khúc Việt cổ” là tập hợp những khúc hát cổ gồm những lời ca, giai điệu của các dân tộc Mông, Giáy, Dao, Thái, Bana, Chăm Pa, Mường, Paco… Đây là sản phẩm mà Lý - Tú thu thập được trên hành trình vừa qua. Những khúc hát đó đã được viết thành lời Việt và chuyển soạn phối khí cho dàn nhạc thính phòng bởi Lý và Tú.
Theo tác giả, chương trình này với mong muốn xoa dịu được cảm giác nhung nhớ “vẻ đẹp xưa cũ đã bị lãng quên hay mất đi” của thính giả bằng các khúc hát cổ.
Đó là hình ảnh dung dị, đẹp, sâu sắc cũng như giai điệu ấm áp, lung linh và nhiều tình cảm, cũng như làm giàu thêm cho chúng ta về vốn văn hóa dân gian trên chính quê hương mình.
Từ đam mê thôi thúc bản thân, ngay sau Tết Nhâm Dần, đoàn đã bắt đầu hành trình đi thu nhặt, gom góp ghi chép lại những khúc hát ru, bày tỏ yêu thương, khúc hát sầu bi, khúc hoan ca... ở một số vùng văn hóa đặc sắc của nước ta.
Khác với những tour âm nhạc Lý từng làm, chuyến đi này không có biểu diễn, không truyền thông, không tiếp đón linh đình. Mặc dù, đoàn không chắc sẽ đến được tất cả nơi mình muốn đến trong tình hình dịch bệnh nhưng mỗi chặng đường, Lý đều nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu.
Trong chuyến đi, Lý và nhóm của mình đóng vai trò là người quan sát, ghi chép và cố gắng để đưa những khúc hát dân gian nguyên gốc đến với công chúng trong khả năng tiếp cận của nhóm. Để từ đây, các bạn có thể nối tiếp và làm rực rỡ, sâu sắc hơn âm nhạc dân gian.
Theo đó, tài liệu ghi chép, ghi âm sẽ có bản thu âm khúc hát nguyên gốc. Tiếp đến là bản chuyển soạn phối khí và phát triển bài hát của Tú và Lý dưới dạng album digital.
Ngoài ra còn có một cuốn bút ký và ký họa do Lý và thành viên đoàn thực hiện dạng digital và một vài clip ngắn tài liệu hành trình, sẽ phát trên YouTube. Dự kiến album “Những ca khúc Việt cổ” sẽ được phát hành vào 24/8 tới đây.
Cuộc sống thực tại khiến tâm xáo động
Bên cạnh việc giữ nguyên giai điệu gốc, giọng ca “Thương” sẽ viết thêm một phiên bản lời bằng tiếng Việt. Trong khi đó, Nguyễn Thanh Tú là người chịu trách nhiệm việc chuyển soạn cũng như phối khí các khúc ca Việt, giúp dàn nhạc và Lê Cát Trọng Lý có thể cùng nhau thăng hoa.
Trong suốt hành trình, nhạc sĩ trẻ cùng đoàn đã đi đến nhiều nơi. Mỗi địa danh là một kỉ niệm, ấn tượng như một khám phá mới mẻ trong cuộc sống lẫn cảm xúc âm nhạc.
“Những cánh đồng trải rộng xanh rì, núi bao bọc và hàng dãy cối xay gió giăng ra phía trước mặt. Có cái xoay, có cái đứng yên trong gió. Đồi núi bao dài để lộ đá lốm đốm, loang lổ.
Đoàn tàu xe lửa ở phía xa rồi chạy song song với mình. Các cối xay gió đứng im, trông rất gợi cảm. Những cái đang xoay, xoay như chong chóng, giống đồ chơi của người khổng lồ. Mọi người đều ồ lên đẹp quá, đẹp quá trong xe.
Tú bảo: Đoạn này đẹp chưa kìa, giống Thụy Sĩ chưa! Mình la lại Việt Nam đang đẹp vậy mà so với cái nước Thụy Sĩ xa xôi. Thảo nguyên trải ra trước mặt, đồng cỏ, khóm cây xanh rì. Đá lộ ra trên đồi, trâu bò và cả người nông dân trên đồng cỏ.
Trong xe đang vang lên bài hát “Con rùa rơi xuống cống”. Đây là cuộc sống mình mơ ước phải không? Không. Mình đã mơ ước một cuộc sống khác, nhưng thực tại này thực sự quá tốt đẹp, đến mức khiến tâm mình xáo động”, Lê Cát Trọng Lý chia sẻ trong bút ký hành trình của mình.
Cũng theo Lê Cát Trọng Lý, các khúc ca cổ của người Mông đen, Mông trắng, Dao đỏ, Dao tiền, Thái, Giáy, Tày, Mường, Chăm lần lượt đi xuyên qua cảm xúc.
Dù đã được ghi âm và sẽ còn được phát lại, xem lại nhiều lần nhưng ấn tượng được sống trong khoảnh khắc đó. Những con người cùng sống trên một quê hương nhưng mình lại hoàn toàn chẳng có hiểu biết gì về họ - những người Việt ấy.
“Và như thế, mình cứ như đi nước ngoài trên chính đất nước mình. Vừa vui sướng khi được biết, vừa buồn tủi vì thiếu hiểu biết”, Lý nói.
Lê Cát Trọng Lý cùng Nguyễn Thanh Tú cũng kêu gọi sự ủng hộ từ khán giả cho khoản kinh phí 300 triệu đồng để trang trải chuyến hành trình. Cùng với đó là quá trình hậu kỳ bao gồm mời nghệ sĩ thu âm, chi phí phòng thu….
Các clip “Khúc ca Việt cổ” đã được đăng trên kênh YouTube của Lý hàng tuần. Mục đích để thuận tiện cho khán giả muốn tìm hiểu về các bản khúc hát gốc của các dân tộc anh em.