Khám phá đảo xa xôi
Với tác phẩm 'Đảo hoang' của Anita Ganeri, độc giả sẽ có cơ hội được tìm hiểu và khám phá những hòn đảo chơi vơi giữa đại dương bao la.
Cuốn sách 'Đảo hoang' có vô số thông tin thú vị và bổ ích về những hòn đảo trên khắp thế giới. Ảnh: Tấn Quyết. |
Nếu như các lục địa rộng lớn có sự kết nối và dễ dàng được khám phá thì không ít hòn đảo chơi vơi giữa đại dương bao la như để thử thách sự tìm kiếm của nhân loại. Chính vì vậy, với tác phẩm “Đảo hoang” của Anita Ganeri, độc giả sẽ có cơ hội được tìm hiểu và khám phá những hòn đảo xa xôi ấy.
Hoang sơ và “lạ thường”
Khởi đầu cuốn sách, độc giả gặp ngay hình ảnh hòn đảo hoang vu, chỉ có những cây dừa cùng bộ xương của các thủy thủ xấu số không may bỏ mạng tại đây. Bốn bề bao quanh hòn đảo ấy là đại dương mênh mông.
Những vây cá mập ẩn hiện trên mặt nước như để biểu thị cho những sự nguy hiểm luôn rình rập xung quanh. Song, dẫu chúng có phần nào đó nguy hiểm, hoang vu, nhưng luôn tạo được sự hấp dẫn, thu hút con người tìm hiểu và khám phá sâu hơn.
Và càng lật mở những trang sách sau, độc giả sẽ càng bất ngờ khi được biết đến những thông tin cực kì thú vị liên quan đến các hòn đảo. Đó là câu chuyện không tưởng của “người rừng” Alexander Shelkirk - thủy thủ bị tàu Cinque bỏ rơi một mình trên hòn đảo Juan Fernandez và sinh tồn tại đó trong suốt bốn năm bốn tháng trước khi được tàu khác cứu vớt và trở về đất liền.
Hay các truyền thuyết mang đầy màu sắc kì ảo của những tích lí giải sự hình thành nên các hòn đảo: Hòn đảo Hawaii và New Zealand được “câu” lên bởi thần Maui; đất nước Philippines được hình thành nên từ “cuộc cãi vã” giữa bầu trời và biển cả và kết cục là một trận mưa sỏi đá đã tạo nên hàng ngàn hòn đảo của đất nước này. Hay còn khó tin hơn là quần đảo Faroe nằm trên Đại Tây Dương được tạo nên từ bụi đất dính trong móng tay của tốp thợ xây thiên đường.
Đó còn là sức mạnh của núi lửa trong việc kiến tạo nên những hòn đảo. Hawaii, Iceland, Azores chính là đỉnh của những ngọn núi lửa nhô lên từ đáy biển. Và chúng có thể làm những hòn đảo biến mất: Chỉ sau vụ phun trào của ngọn núi lửa Krakatoa năm 1883 đã thổi bay 2/3 diện tích của hòn đảo Krakatoa! Một số hòn đảo còn có hệ sinh thái phong phú và đặc sắc.
Rất nhiều hòn đảo có những loài động vật, thực vật không thể tìm được ở nơi nào khác. Điển hình như quần đảo Galapagos có loài rùa Galapagos khổng lồ, cùng với các loài động vật độc đáo khác chỉ sinh sống tại đảo này. Hay hòn đảo Komodo là nơi sinh sống của loài rồng Komodo – một loài bò sát cực kì lớn.
Minh họa sinh động, dễ thương trong 'Đảo hoang'. Ảnh: Tấn Quyết. |
Bảo vệ những hòn đảo
Bên cạnh cung cấp những thông tin thú vị về các hòn đảo, tác giả cũng không quên gửi gắm tới độc giả thông điệp bảo vệ những hòn đảo xinh đẹp. Trước hết, tác giả nêu lên thực trạng của rất nhiều hòn đảo hiện nay, đặc biệt là những hòn đảo đẹp và phục vụ du lịch.
Những đường bờ biển xinh đẹp bởi dải cát vàng lấp lánh thì giờ trơ trơ những khối bê tông là khách sạn, nhà nghỉ: “Hàng kilômet bờ biển biến thành các khối bê tông xấu xí; cát và rặng san hô bị khai thác cạn kiệt làm vật liệu xây dựng”.
Vùng nước biển trong xanh mà mọi người luôn mong muốn được vùng vẫy trong những ngày nóng nực, lại ngập ngụa rác thải: “Hãy nhìn lại xem bạn đang bơi trong thứ nước gì? Nước biển xanh “lẽ” vì con người vẫn tống thẳng nước và rác thải xuống biển. Đúng vậy đấy. Và càng đông khách có nghĩa là càng có nhiều chất thải. Bạn còn muốn tắm nữa không?”. Gọi thực trạng này là “Tắm rác”, tác giả đặt câu hỏi với độc giả như thế.
Hay một số hòn đảo không may trở thành nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân như hòn đảo san hô vòng Bikini vào năm 1946 đã hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái ở đây.
Đó còn là thực trạng Trái đất ngày càng trở nên ô nhiễm, khiến mực nước biển dâng lên và đe dọa tới sự an toàn của các hòn đảo có độ cao ngang mực nước biển. Chỉ cần mực nước biển dâng lên 50cm là đủ để nhấn chìm rất nhiều hòn đảo và ảnh hưởng tới cây trồng, cũng như nguồn nước ngọt trên đất liền.
Thật may mắn, giờ đây con người đã nhận thức được phần nào hậu quả của những việc làm do chính mình gây ra và từng ngày, từng giờ cố gắng làm mọi cách để khắc phục những hậu quả ấy.
Rất nhiều người đã lên tiếng kêu gọi ngừng mọi hoạt động gây ảnh hưởng tới môi trường, giúp ngăn chặn sự “chìm dần” của các hòn đảo. Hay những đảo như Galapagos hay Komodo giờ đây trở thành khu bảo tồn quốc gia để có thể bảo vệ hệ sinh thái độc đáo của chúng.
Với tác phẩm “Đảo hoang”, tác giả Anita Ganeri đã cung cấp tới bạn đọc vô số thông tin thú vị và bổ ích về những hòn đảo trên khắp thế giới bằng những câu chuyện ngắn gọn lồng đối thoại cùng các minh họa sinh động, dễ thương.
Từ những thông tin ấy, tác giả đã gửi tới thông điệp về việc bảo vệ môi trường ở những hòn đảo, để bao hình ảnh đẹp về chúng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn theo thời gian tới thế hệ mai sau.