• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca kịch "Khát vọng Dam Săn": Tiếng vọng từ đại ngàn

Qua những làn điệu, vũ điệu được sử dụng trong tác phẩm ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, người dân và du khách đã thêm hiểu về lịch sử văn hóa Tây Nguyên hùng vĩ.

Món quà từ đại ngàn

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 vừa diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đêm diễn vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn" đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của người Ê Đê xưa với hình ảnh người tù trưởng anh hùng, đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên.

Ca kịch
Bản sắc văn hóa địa phương được mang lên sân khấu phục vụ du khách thập phương.

Vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn" gồm 5 chương: Chương 1: Đam San và H’Nhí, với phần mở màn là Già làng kể Khan về tù trưởng Dam San; H’Nhi mong có Dam Săn theo tập tục của đồng bào Ê Đê và Đám cưới Dam Săn và H’Nhi.
Chương 2: Xử tội Mtao Msei, ở đây chàng Dam Săn đã chiến thắng Mtao Msei và mở rộng buôn làng, trở thành một người tù trưởng hùng mạnh nhất vùng.

Chương 3: Buôn sang trông cậy, câu chuyện cao trào hơn khi Nữ thần Mặt trời khao khát có Dam Săn, làm cho buôn làng chìm trong đêm tối.
Chương 4: Nơi miền sáng, trước nguy cơ buôn lang bị hủy diệt, Dam Săn đã vượt qua hiểm nguy quyết tìm gặp Nữ thần Mặt trời và rồi Đam San đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời để mang ánh sáng trở lại cho buôn làng, làm cho vùng đất sinh sôi ra hoa kết trái.

Chương 5: Mặt trời lên trên cao nguyên bao la, chính sự anh dũng của Dam Săn đã mang ánh sáng về cho buôn làng, khát vọng của chàng cũng là ngọn lửa thắp lên tình yêu và sức sống nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Ca kịch
Hình tượng Nữ thần Mặt trời đại diện cho quyền uy, sức mạnh và văn hóa của người Ê-đê.

Trải qua thời lượng hơn một tiếng đồng hồ, bằng diễn xuất xuất sắc của các nhân vật dã đưa công chúng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ yêu ghét, thương mến, cho đến ngưỡng mộ. Cùng với đó, khán giả đã hoà mình vào âm thanh đại ngàn bởi những nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc, và đặc biệt mang đến cho du khách thập phương những trải nghiệm độc đáo bằng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong đời sống buôn làng của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.

Ca kịch
Đêm diễn đã thu hút hàng nghìn du khách đến theo dõi.

Hòa mình vào dòng cảm xúc của tác phẩm, chị Nguyễn Hà (du khách từ Đà Nẵng) bày tỏ: Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” giúp chị hiểu thêm về những đặc điểm, bản sắc độc đáo, đặc thù của vùng văn hoá Tây Nguyên. “Tác phẩm đã thể hiện sự tự hào, ngợi ca khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Êđê ở Tây Nguyên, Đây là tác phẩm văn hóa đặc sắc chỉ có ở Đắk Lắk”, chị Hà chia sẻ.

Ca kịch
Trang phục truyền thống của người Ê đê trên sân khấu.

Góp phần phục dựng, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên

Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” được tổ chức biểu diễn trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 là dịp giới thiệu, quảng bá vở ca kịch, đưa ca kịch “Khát vọng Dam Săn” trở thành một tác phẩm lớn trong nền khí nhạc Việt Nam, ca ngợi khát vọng, vẻ đẹp lãng mạn đầy kiêu hùng; phục dựng, bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tác phẩm “Khát vọng Dam Săn” được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo của tỉnh nhà, được biểu diễn thường kỳ phục vụ công chúng.

Ca kịch
Phân cảnh Dam Săn gặp Nữ thần Mặt trời.
Ca kịch
Hình ảnh H’Nhi (vợ Dam Săn) thủy chung đợi chồng.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đang xây dựng kế hoạch để tiếp tục phổ biến vở Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đến với công chúng, nhất là tại các buôn làng trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nhịp cầu nối văn hóa các dân tộc.

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ có các giải pháp cụ thể để tác phẩm trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo của Đắk Lắk nói riêng, được biểu diễn thường kỳ phục vụ nhân dân và du khách khi đến với Đắk Lắk, và sẽ đưa Ca kịch “Khát vọng Dam Săn" biểu diễn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên và nước ngoài; biểu diễn phục vụ các tour du lịch...

Ca kịch
Dam Săn đã mang ánh sáng về cho buôn làng, khát vọng của chàng cũng là ngọn lửa thắp lên tình yêu và sức sống nơi núi rừng Tây Nguyên.

Sau đêm biểu diễn Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tác phẩm đã bắc nhịp cầu cho khán giả ngày nay về với một trong những bộ sử thi lớn nhất, để tất cả người dân đều được thưởng thức, từ đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Tác giả: Đức Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật