'Đất ơi nở hoa' - khúc hát tâm tình của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung
Nơi con người gắn bó máu thịt với đất mẹ, nơi bản hòa ca giữa ký ức dân tộc và khát vọng cùng nhau vươn lên trong ca khúc “Đất ơi nở hoa” của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung
Bài hát “Đất ơi nở hoa” là lời tri ân sâu sắc đối với đất mẹ, nơi đã nuôi dưỡng con người bằng hồn cốt văn hóa và tình yêu thương, cũng là tiếng lòng của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung gửi gắm trong những ngày đất nước đang rộn ràng kỷ niệm thống nhất non sông. Qua hình ảnh bình dị như bát nước cơm, hay thân thuộc trong câu dân ca, tiếng đàn bầu,… Để từ đó tác giả nhấn mạnh mối liên kết giữa con người và đất, giữa quá khứ và hiện tại, giữa tình cảm cá nhân và tình yêu quê hương đất nước.
Cấu trúc bài hát “Đất ơi nở hoa” được chia thành 4 đoạn. Đoạn mở đầu thể hiện sự thừa hưởng và tiếp nối truyền thống, gắn bó máu thịt với đất thông qua các hình ảnh tiếng đàn bầu, lời ru, câu dân ca, bát nước cơm. Đây là các hình ảnh ngôn ngữ mang tính biểu tượng cao, thể hiện chiều sâu văn hóa Việt Nam. Đoạn chuyển tiếp gợi nhắc ký ức tuổi thơ thông qua hình ảnh người mẹ tảo tần “đòng đòng chín vội, nụ cười trẻ thơ”. Đoạn này gợi lên cảm xúc bồi hồi, xúc động, có chút hoài niệm pha trộn với khát vọng vươn lên. Bước sang đoạn cao trào, ca khúc mang không khí lạc quan, vui tươi, mang tính cộng đồng gắn kết lòng người vui náo nức, rộn tiếng ca, cùng nắm tay - thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc. Kết bài, nhạc sĩ đẩy cảm xúc bùng nổ bằng cách nhấn mạnh điệp ngữ “ta yêu đất nước” với tình yêu dành cho đất nước đang nở hoa - ẩn dụ cho sự phát triển, thịnh vượng và tương lai tươi sáng.
Phát triển giai điệu tuyến tính mang âm hưởng dân gian
Xem xét tiến trình giai điệu trong bài hát “Đất ơi nở hoa” của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung được viết theo thể loại trữ tình dân ca, khúc thức phát triển tuyến tính tạo cảm xúc dâng dần từ hồi tưởng êm dịu đến cao trào mạnh mẽ và bừng sáng. Mở đầu giai điệu nhẹ, rơi đều, nhấn vào âm bổng ở các từ khóa như “ngân nga”, “mẹ ru”, “dạt dào”, tạo cảm giác thân thuộc, ngọt ngào. Dòng giai điệu đi xuống nhẹ ở cuối mỗi câu tạo cảm giác trầm lắng mang tính kể chuyện, mộc mạc, da diết nhằm tái hiện lại tâm trạng hồi tưởng về quê hương, những hình ảnh đầu đời quen thuộc với người Việt. Âm vực chủ yếu nằm trong quãng trung, kết hợp tiết tấu đơn giản, đều đặn như lời ru, lời kể về quê hương.
Sang đoạn hai, giai điệu có những bước nhảy giai điệu cao hơn, như ở câu “Đất ơi…”, giúp tạo ra điểm nhấn cảm xúc, đường giai điệu chuyển động rộng hơn, nhịp trở nên linh hoạt hơn, xuất hiện một số nốt nhấn mạnh (như “vươn mình”, “mắt sáng”) - đánh dấu chuyển biến cảm xúc từ hoài niệm sang khát vọng. Quãng nhảy trong các nốt của giai điệu ở đây tạo ra cảm giác khúc chuyển từ chiều sâu ký ức sang ước mơ vươn mình lên phía trước, đặc biệt qua hình ảnh “mắt sáng như những vì sao”, tình yêu quê hương đất nước đẩy ý chí vươn lên.
Bước sang đoạn cao trào (từ “ta yêu quê ta…” đến “vươn tới”), tuyến giai điệu mở rộng biên độ - lên cao và ngân dài, điển hình là câu “Ta yêu quê ta…”, nốt cao xuất hiện dày hơn, tạo cảm giác bừng sáng và cộng hưởng. Nhịp điệu trở nên rộn ràng, dồn dập hơn - phù hợp với hình ảnh cộng đồng đoàn kết, nắm tay. Giai điệu mang hơi hướng hành khúc nhẹ, khiến ca khúc như “chuyển động” về phía tương lai.
Vào phần kết từ “Nước ơi…”, giai điệu được đẩy lên đến cao trào, cảm xúc đạt đỉnh với câu “Sao yêu đất nước này đến thế” - giai điệu dâng lên cao rồi rơi chậm lại ở câu kết “Ta yêu đất nước của ta”. Câu kết bằng một câu khẳng định rõ ràng, có tính chất như hô vang, khẳng định tạo cảm xúc lắng đọng nhưng đầy tự hào - một sự khẳng định tình yêu bất diệt với đất nước từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa và kết thúc mở để lại dư âm ngân nga trong lòng người nghe.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ khai thác chất liệu dân gian để giai điệu mang âm hưởng dân ca. Phần lớn câu nhạc có tiết tấu đơn giản, giai điệu mềm mại, rơi nhẹ cuối câu, tạo cảm giác như lời ru, lời kể - gợi đến các làn điệu dân ca Bắc Bộ, Trung Bộ. Một số câu có ngữ điệu của hò, ví giặm, thể hiện qua nhấn nhẹ, ngân dài, rơi thả, như ở đoạn “Ta yêu quê ta, thoang thoảng mùi bồ kết…”. Đồng thời tác giả sử dụng điệu thức ngũ cung Việt Nam, giai điệu bài hát dường như bám sát các âm bậc của thang âm ngũ cung hoặc với các chuyển vị khác. Âm hưởng ngũ cung tạo ra màu sắc dân tộc đặc trưng, nghe là người Việt có thể nhận ra ngay, như một tiếng vọng sâu trong máu thịt.
Thủ pháp ẩn dụ và nhân hóa
Ca khúc “Đất ơi nở hoa” sử dụng ngôn ngữ văn học thi ca trau chuốt, tinh tế, nhiều hình ảnh tượng trưng về đất nước như một sinh thể sống động, có thể đối thoại và yêu thương, như qua các câu gọi “Đất ơi”, “Nước ơi”. Đây là một tác phẩm chứa đựng linh hồn Việt, được kể bằng ngôn ngữ thi ca âm nhạc, nhẹ nhàng mà sâu sắc, dân dã mà giàu nội lực. Hệ thống hình ảnh ẩn dụ vừa gần gũi đời thường, vừa giàu chất thơ và chiều sâu văn hóa, các ẩn dụ nối liền cá nhân với cộng đồng, quá khứ với hiện tại, cảm xúc với khát vọng.
Văn hóa được ẩn dụ qua “Tiếng đàn bầu ngân nga từ ngàn xưa vọng về”, tiếng đàn bầu là âm thanh nhạc cụ dân tộc độc đáo, chỉ có một dây nhưng lại diễn tả được muôn vàn cảm xúc, tượng trưng cho tâm hồn người Việt, lắng sâu xúc cảm. Câu hát gợi lên dòng chảy văn hóa truyền thống từ ngàn xưa vẫn còn ngân vọng đến hôm nay, như một sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại. Ở tầng nghĩa sâu hơn, đàn bầu đại diện cho bản sắc riêng biệt của dân tộc, khi nghe thấy “tiếng đàn bầu ngân nga”, là khi ta được đánh thức lại căn tính văn hóa nằm sâu trong tiềm thức.
Quê hương được ẩn dụ mẫu hệ qua “Tiếng hát mẹ ru - Câu dân ca dạt dào cánh lúa”, hình ảnh mẹ ru con bằng dân ca là biểu tượng cho tình mẫu tử, cho sự truyền trao văn hóa qua lời ru, cánh lúa dạt dào là biểu tượng cho sự sống, no ấm, đồng thời cũng là hình ảnh của vùng quê trù phú. Ở nghĩa rộng, “câu dân ca” không chỉ là âm nhạc mà còn là ký ức tập thể, là cách người Việt gìn giữ linh hồn dân tộc qua nhiều thế hệ.
Từ hình ảnh đời thường “Chắt từng bát nước cơm/ Nuôi ta thời tuổi trẻ”, nhạc sĩ thể hiện phép ẩn dụ về lao động và tình thương. Nước cơm là thứ rất đỗi giản dị, thậm chí gợi nhớ thời khó khăn, nhưng ở đây lại trở thành biểu tượng của tình yêu thương âm thầm và sự hy sinh tảo tần. “Chắt” gợi lên hình ảnh tiết kiệm, vất vả, nhọc nhằn nhưng vẫn có cảm giác thư thái thân yêu, gắn với ký ức một thời khó khăn, nhưng đầy tình nghĩa. Và trên thế giới, cũng chỉ có người Việt mới biết chắt nước cơm.
Qua câu ca “Cánh đòng đòng chín vội”, nhạc sĩ thực hiện phép ẩn dụ về thời gian, ký ức, và sự chuyển mình. Đòng đòng là giai đoạn lúa vừa uốn câu, chuẩn bị trổ bông, hình ảnh chớm nở của hy vọng và tương lai. “Chín vội” gợi lên sự gấp gáp, dồn dập của thời gian, gợi nhớ những mùa vụ ngắn ngủi, thời niên thiếu trôi qua nhanh, hoặc cũng có thể là khát khao lớn nhanh để đỡ đần cha mẹ.
Thực hiện ẩn dụ về ký ức và cội nguồn thông qua hình ảnh “Thoang thoảng mùi bồ kết”, bởi bồ kết thường được các bà, các mẹ, chị, em dùng để gội đầu mang hương thơm rất riêng bên mái nhà xưa. Từ mùi gợi đến hình với ký ức dịu dàng, sự thân thuộc của tuổi thơ, nhấn mạnh yếu tố bản sắc văn hóa Việt qua cảm giác giác quan.
Để thực hiện phép ẩn dụ chuyển tiếp, từ đứa trẻ đến khát vọng và niềm tin, nhạc sĩ sử dụng hình ảnh “Mắt sáng như những vì sao”, bởi “vì sao” tượng trưng cho những lý tưởng, những điều đẹp đẽ mà con người hướng tới. Đôi mắt trẻ con sáng long lanh như sao trời mang nghĩa tương lai tươi sáng, niềm tin vào thế hệ mới sẽ tiếp nối và làm rạng danh đất nước.
Từ khát vọng, đẩy hình ảnh ẩn dụ về tinh thần cộng đồng của cả dân tộc thông qua câu ca “Lòng dân ta rộng rãi/ Lòng người vui náo nức”, lòng người như không gian rộng mở, không giới hạn, mang cảm giác bao dung, chan hòa. Cảm giác “náo nức” không chỉ là niềm vui cá nhân, mà là sự hòa điệu tập thể, khi toàn dân cùng chung một nhịp tim yêu nước.
Cuối cùng, dùng phép ẩn dụ để tổng kết và thăng hoa cả bài hát chỉ bằng câu kết “Ta yêu đất nước nở hoa”. “Nở hoa” là ẩn dụ mạnh mẽ nhất của cả bài, hàm ý về sự phát triển, thịnh vượng, tươi đẹp, hình ảnh “nở hoa” cũng là cao trào cảm xúc, như một lời khẳng định cho giấc mơ chung của dân tộc. Tình yêu dành cho đất nước không chỉ là hoài niệm về quá khứ mà còn là hi vọng cho một tương lai tràn đầy sức sống.
Tính dân tộc và tính thời đại
Ca khúc “Đất ơi nở hoa” là một ca khúc hiện đại nhưng thấm đẫm tinh thần dân tộc, thể hiện ở chất liệu ngôn ngữ dân gian, hình ảnh văn hóa truyền thống, giai điệu mộc mạc, mang âm hưởng dân ca, thang âm ngũ cung, tình cảm quê hương, đất nước được thể hiện từ trái tim người Việt.
Bài hát phát triển cảm xúc từ cá nhân đến cộng đồng, từ “nhớ mẹ, nhớ ruộng lúa” đến “yêu dân ta, nước ta, nắm tay vươn tới” - quá trình này phản ánh đúng tư duy dân tộc Việt Nam: Từ tình thân đến tình đất nước. Đây là sự khác biệt cơ bản với tư duy phương Tây, thường nhấn mạnh cá nhân độc lập. Ở đây, cá nhân tan hòa trong tập thể, trong đất mẹ, thể hiện tư tưởng, đạo lý phương Đông. Ca khúc sử dụng nhiều hình ảnh gợi hồn Việt, tiêu biểu như: “Tiếng đàn bầu ngân nga”, “tiếng hát mẹ ru”, “câu dân ca”, “bát nước cơm”, “cánh lúa”, “bồ kết”, “đòng đòng chín vội”,… đều là hình ảnh đời thường mộc mạc nhưng mang chiều sâu biểu tượng dân tộc.
Tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu nước được thể hiện không bằng khẩu hiệu mà qua tình cảm ruột rà, gắn bó từ bát cơm, làn điệu, nụ cười, là lối thể hiện mang tính tâm tình, duy cảm, đặc trưng trong nghệ thuật Việt Nam. Cách dùng đại từ “ta”, “ta yêu”, “ta nhớ” không chỉ mang tính cá nhân mà còn bao hàm tính tập thể, cộng đồng - nét đặc trưng của văn hóa phương Đông.
Bên cạnh đó, ca khúc “Đất ơi nở hoa” còn mang đậm chất thời đại ở chỗ không chỉ ngợi ca đất nước bằng lối sáo mòn, mà còn đặt đất nước vào mối quan hệ nhân bản giữa người và đất, giữa ký ức và tương lai. Tác giả dùng ngôn ngữ truyền thống để kể một câu chuyện hiện đại, hướng đến một Việt Nam phát triển bền vững, đoàn kết, đầy hy vọng. Cảm xúc từ hoài niệm cá nhân đến khát vọng cộng đồng hiện đại, đây là tư tưởng hiện đại, đề cao khát vọng phát triển, tinh thần cộng đồng hướng đến tương lai. Tinh thần yêu nước không khuôn sáo, mang tính nhân văn hiện đại, đây là một diễn ngôn yêu nước mới mẻ, phù hợp với thế hệ trẻ hôm nay - hòa bình, bao dung, tích cực và hành động.
Đây là một bài hát rất đương đại, gợi nhớ quá khứ để củng cố tương lai; đồng thời phản ánh tư duy văn hóa - xã hội của thế hệ mới. Nó là minh chứng cho xu hướng hiện đại hóa âm nhạc mà vẫn giữ vững bản sắc, vừa gần gũi với người Việt, vừa có thể lan tỏa ra thế giới như một bản sắc văn hóa sống. “Đất ơi nở hoa” không chỉ là một khúc ca yêu nước mà còn là một bức tranh quê hương Việt Nam sống động, từ truyền thống đến hiện đại, thể hiện niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
“Đất ơi nở hoa” là ca khúc mới sáng tác của Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung do ca sĩ NSƯT. Hoàng Tùng thể hiện, phối khí nhạc sỹ Đức Thụy, trình bày trong Chương trình chính luận nghệ thuật “Khúc ca khải hoàn” của Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Chương trình diễn ra lúc 20h00 ngày 25/4/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được phát thanh trực tiếp trên các kênh VOV1, VOV3 và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam.
Vương Hà