• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trả lại đúng tên Phủ Chính - Phủ Tiên Hương cho di tích Phủ Dầy

Quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy (Nam Định) gồm 18 đền, phủ, chùa, lăng, được xem là nơi gắn liền với thần tích giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của dân tộc Việt. Phủ Dầy được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ, tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ mẫu tại Việt Nam. Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Phủ Dầy vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm được đánh giá là một trong 10 lễ hội đầu năm độc đáo tại Việt Nam.

Trả lại đúng tên Phủ Chính - Phủ Tiên Hương cho di tích Phủ Dầy
Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam Định

Trong thời gian qua, việc treo biển tên di tích thuộc quần thể Phủ Dầy xảy ra nhiều tranh cãi kéo dài nhưng địa phương chưa giải quyết. Cụ thể từ năm 2018, ở cổng Phủ Vân Cát và các biển chỉ dẫn lại treo biển đề Phủ Chính Vân Cát. Năm 2019, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vụ Bản (Nam Định) đã yêu cầu Phủ Tiên Hương hạ tấm biển ghi Phủ Chính Tiên Hương. Việc di tích treo biển không đúng với hồ sơ di tích, không đúng với lịch sử sẽ dẫn đến nguy cơ làm méo mó, sai lệch.

Trở lại lịch sử, khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy gồm Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh đã được xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật quốc gia từ năm 1975. Được biết, phủ chính của cụm di tích này nằm ở xã Tiên Hương là Phủ Chính Tiên Hương hay còn gọi là Phủ Tiên Hương và người dân còn gọi ngắn gọn là Phủ Chính.

Thủ nhang Phủ chính Tiên Hương Trần Thị Huệ (bên trái)
Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương Trần Thị Huệ (bên trái)

Phủ Tiên Hương được xây dựng từ thời Hậu Lê (1663 - 1671). Bà Trần Thị Huệ - Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương cho biết, căn cứ quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, việc đặt biển hiệu tên gọi Phủ Chính Tiên Hương là hoàn toàn phù hợp với tài liệu lịch sử và quy định của pháp luật.

Dựa trên tài liệu lịch sử của các cơ quan chức năng, nhà nghiên cứu và nhiều chuyên gia, ngày 11/10/2021, Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao) đã có Công văn số 812/DSVH-DT gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định ghi rõ: Cơ bản thống nhất với đề nghị của thủ nhang Trần Thị Huệ và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định giám sát việc treo biển Phủ Chính Tiên Hương tại vị trí phù hợp, đảm bảo trang trọng và đúng theo quy định.

Trả lại đúng tên Phủ Chính - Phủ Tiên Hương cho di tích Phủ Dầy
Lễ hội Phủ Dầy

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định phối hợp với UBND huyện Vụ Bản làm việc với bà Trần Thị Huệ, thủ nhang để hướng dẫn, thực hiện việc treo biển di tích phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Tuy nhiên, UBND huyện Vụ Bản chưa đồng ý để phủ Tiên Hương được treo biển trên Phủ Chính Tiên Hương và cho rằng văn bản của Cục Di sản văn hóa chưa đủ thẩm quyền.

Bà Trần Thị Huệ khẳng định: “Cuốn lý lịch di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy của ban quản lý và danh thắng thuộc Sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cũng ghi: “Theo các nguồn tư liệu khoa học và tâm thức dân gian, Phủ Tiên Hương còn có tên gọi khác là Phủ Chính và Phủ Chính Tiên Hương. Các dòng chữ “Phủ Chính”, “Tiên Hương Thánh Mẫu Phủ Chính”, “Phủ Chính Tiên Hương” vẫn hiện diện trên các sắc phong, dấu ấn bằng đồng, các thạp, hạc, bình cổ… đang được lưu giữ tại Phủ Tiên Hương.

Trả lại đúng tên Phủ Chính - Phủ Tiên Hương cho di tích Phủ Dầy
Cuốn sách viết về lễ hội Phủ Dầy xuất bản năm 1942 được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia

Trên chuông đồng có từ năm 1896 đang treo ở phủ và trên 8 bia đá đặt ở trong phủ có từ năm 1892 đều ghi rõ các chữ Phủ Chính Tiên Hương. Vì vậy, tôi đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định và Trung ương đề nghị Phủ Tiên Hương được treo biển như lịch sử để lại và đúng với hồ sơ di tích. Tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền địa phương vẫn không chấp nhận Phủ Chính Tiên Hương được treo biển đúng tên gọi theo lịch sử và hồ sơ di tích.

Tôi gửi đơn tới các cấp và có đơn xin phép gửi UBND xã và huyện theo đúng trình tự, pháp lý về việc treo biển đúng tên Phủ Chính - Phủ Tiên Hương là đúng theo hướng dẫn của Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao”.

Trả lại đúng tên Phủ Chính - Phủ Tiên Hương cho di tích Phủ Dầy

Có thể nói, Phủ Dầy là trung tâm, là tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ mẫu tại Việt Nam. Nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ mẫu đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Việc xác định chính xác tên gọi di tích Phủ Chính và gắn biển tại đây có căn cứ cụ thể về mặt lịch sử và quy định pháp lý. Điều này không những góp phần tôn vinh di sản, thể hiện sự tôn trọng lịch sử mà còn đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Do vậy rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành để trả lại tên đúng như lịch sử của di tích.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan