• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển hạ tầng số, tạo các chuỗi giá trị mới để du lịch bứt phá toàn diện

Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên phạm vi toàn quốc, ngoài ý nghĩa cải cách hành chính, còn là “chìa khóa” để ngành du lịch khai thông các điểm nghẽn lâu năm: từ thể chế, nguồn lực, đến công nghệ và liên kết vùng.

Trên thực tế, một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều điểm đến giàu tiềm năng chưa thể cất cánh chính là sự phân tán trong quản lý, thiếu quyền chủ động ở cấp cơ sở.

Các xã, phường, nơi trực tiếp nắm giữ tài nguyên du lịch như di tích, làng nghề, cảnh quan… lại thường không có đủ thẩm quyền để quy hoạch, tổ chức, huy động nguồn lực, dẫn đến tình trạng phát triển manh mún, thiếu kết nối.

Giờ đây, với mô hình chính quyền hai cấp, bộ máy hành chính được tổ chức lại theo hướng tinh gọn và hiệu lực hơn, cho phép các địa phương linh hoạt xử lý các vấn đề liên quan đến du lịch ngay từ cấp xã.

Điều này đã được minh chứng tại Hà Nội, nơi mô hình mới đang tạo ra những chuyển động rõ nét trong phát triển du lịch cộng đồng. Các xã như Ứng Thiên (Ứng Hòa) đã chủ động rà soát lại hệ thống điểm đến, tổ chức lại tuyến du lịch, phát huy lợi thế làng nghề để định vị lại thương hiệu địa phương.

Hay tại Huế, mô hình quản lý mới cũng giúp các đơn vị lữ hành, nhà đầu tư thuận tiện hơn khi triển khai các dự án liên địa phương, giảm thiểu thủ tục qua nhiều tầng nấc hành chính như trước đây.

Song song với cải cách thể chế, hạ tầng cứng và hạ tầng số cũng đang được đẩy mạnh để đồng hành cùng du lịch.
Việc kết nối các lĩnh vực như giao thông, logistics, hàng không, nông nghiệp… tạo ra các chuỗi giá trị mới, hình thành những sản phẩm du lịch liên vùng, đa dạng và hấp dẫn hơn.

Không còn là những tour tuyến khép kín, các địa phương giờ đây có thể hợp tác xây dựng trải nghiệm theo chủ đề, như du lịch nông nghiệp, du lịch sức khỏe, du lịch đường sông… nhằm thu hút nhóm khách có mức chi tiêu cao và nhu cầu cá biệt hóa.

Một đòn bẩy quan trọng khác cho du lịch là công nghệ. Với chính quyền hai cấp sát dân hơn, việc triển khai các nền tảng du lịch thông minh, từ bản đồ số, ứng dụng đặt dịch vụ, đến hệ thống giám sát và phản hồi tại điểm đến, sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Điểm sáng trong bức tranh du lịch 6 tháng đầu năm 2025, với mức tăng trưởng khách quốc tế cao nhất châu Á - Thái Bình Dương, là kết quả của sự vào cuộc đồng bộ từ thể chế đến thị trường.

Nhưng để duy trì đà phục hồi này, ngành du lịch cần tiếp tục tận dụng triệt để cơ hội từ mô hình chính quyền mới, đầu tư hạ tầng và chuyển đổi số.

Khi mỗi xã, mỗi phường được “kích hoạt” như một đơn vị sáng tạo du lịch, khi các địa phương hợp tác thay vì cạnh tranh lẻ, và khi thể chế, hạ tầng, công nghệ cùng vận hành đồng bộ, thì du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết