Đầu Xuân ngắm bảo vật quốc gia hương án chùa Keo
Dù không phải là lễ hội chính trong năm, nhưng chùa Keo vẫn hút khách dịp đầu Xuân đến lễ và chiêm ngắm hương án - bảo vật quốc gia được công nhận mới đây.
Hương án chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư - Thái Bình) được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021). Bảo vật có kích thước đồ sộ, chạm khắc tỉ mỉ với vẻ đẹp hiếm có, chứa đựng ý nghĩa sâu sắc tín ngưỡng Việt Nam.
Hương án độc nhất vô nhị
Ngay từ mùng 4 Tết, con đường dẫn tới chùa Keo đã nườm nượp khách du Xuân. Dù không phải là lễ hội chính, địa phương cũng không tổ chức, song vẫn duy trì tập tục truyền thống tại quần thể di tích chùa Keo - mở cửa đền Thánh và thổi xôi dâng Phật Thánh.
Theo ông Vũ Ngọc Khuê - Ban Quản lý di tích chùa Keo, đã có hàng nghìn du khách đổ về đây vãn cảnh, bái vọng, cầu ước những điều tốt lành trong năm mới. Đặc biệt, năm nay du khách đến chùa còn để chiêm ngắm bảo vật quốc gia hương án.
Hương án chùa Keo là một kiệt tác nghệ thuật gỗ được chạm khắc tinh xảo, thống nhất giữa 4 mặt. Ông Nguyễn Văn Khánh - người trông coi chùa Keo - cho biết, chiếc hương án này vẫn được sử dụng làm nơi đặt lễ phẩm, hương hoa cúng Phật. Ngay cả khi chưa được công nhận bảo vật, đã có nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về một kiệt tác điêu khắc gỗ.
Hương án chùa Keo có dạng hình hộp chữ nhật, kích thước dài 227cm, rộng 156cm, cao 153cm. Hình dáng đặc biệt “chân quỳ dạ cá” được trang trí hoa văn dày đặc với các họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, long ẩn vân, long giáng cùng 550 cánh sen, 435 bông cúc, 24 hoa dây lá và linh thú, mây lửa, ngọc báu...
Theo các chuyên gia, người xưa đã sử dụng kỹ thuật chạm bong - kênh - lộng, trổ thủng để tạo khối nổi khối chìm, tạo nên tầng tầng lớp lớp hoa văn. Sau đó sơn son, thếp vàng để hoàn thành một hương án sang trọng đặt ở nơi thờ tự tôn nghiêm - đền thờ Thánh chùa Keo.
Hương án chùa Keo là hiện vật độc bản, có kích thước lớn và nặng nên dưới chân hương án có gắn hệ thống bánh xe để khi cần có thể đẩy để di chuyển. Sự sáng tạo này vừa bảo vệ hương án không chịu tác động xấu do quá trình khiêng vác gây ra vừa tránh được việc hơi nước ẩm từ nền đất ngấm lên.
Có lẽ chính nhờ sự sáng tạo này mà trải qua thời gian mấy trăm năm (từ thế kỷ 17 đến nay), hương án chùa Keo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Đỉnh cao nghệ thuật
Từ hương án chùa Keo, giới khảo cổ khẳng định hương án gỗ thế kỷ 17 không còn nhiều, nhưng đủ để nhận biết giá trị nghệ thuật trang trí thời kỳ này đặc sắc và đạt đến trình độ cao.
Về cơ bản, những hương án gỗ thế kỷ 17 trong chùa ở Bắc Bộ đều có kết cấu chung dạng hình hộp chữ nhật đứng với chân cao. Nhiều trang trí bám theo nối từ phần gờ xuống đến chân, tạo kiểu dáng riêng biệt, không giống với hương án đá thời Trần.
Nghệ thuật trang trí hương án gỗ thế kỷ 17 về cơ bản được gắn với ngôi chùa và các hiện vật. Nghệ nhân xưa thể hiện các chủ đề, môtip vẫn theo một quy tắc về sự sắp xếp các hình khối, họa tiết, đường nét tạo nên một sự cân đối về thẩm mỹ và nghệ thuật cho hương án.
Sự hài hòa lẫn bề thế của hương án chùa Keo đặc biệt thích hợp với ngôi cổ tự nổi tiếng này. Chùa Keo xây dựng vào năm 1632 (thời Lê trung hưng, thế kỷ 17) là một công trình nghệ thuật đặc sắc, giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc xưa. Đồng thời cũng là 1 trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam.
Vị thánh được thờ là Thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học.
Theo sử sách, Thiền sư Dương Không Lộ quê làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), gia đình vốn làm nghề chài lưới. Ông đi tu từ năm 29 tuổi.
Năm 1060, ông sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Đến năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông, ông trở về nước và dựng chùa Nghiêm Quang (tức chùa Keo ngày nay). Ông đã đi nhiều nơi vùng Đồng bằng Bắc Bộ để dựng chùa, truyền bá Phật pháp và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam.
Thiền sư Dương Không Lộ đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được vua phong làm Quốc sư triều Lý. Sau sự kiện lũ lụt năm 1611 và sự kiện chuyển cư, làng Keo được chia làm hai làng, và sau đó cả hai làng đều xây dựng lại chùa và đều gọi theo tên Nôm là “chùa Keo”: Chùa Keo Nam Định và chùa Keo Thái Bình.
Ngoài tên gọi theo địa danh, dân gian còn gọi chùa Keo Thái Bình là Keo trên, chùa Keo Nam Định là Keo dưới. Cách gọi này là gọi theo dòng chảy thượng - hạ của sông Hồng.
Hàng năm chùa Keo mở hội hai lần. Hội Xuân diễn ra vào ngày mùng 4 Tết với nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cộng đồng. Trong đó, “kéo lửa thổi cơm” là trò chơi cổ được lưu truyền nhiều đời.
Ý nghĩa của trò chơi xuất phát sau khi Thiền sư Dương Không Lộ đi Tây Trúc thỉnh kinh. Giữa đường hết lửa không thể thổi cơm, vị Thiền sư mới nghĩ ra việc bổ đôi cây nứa lấy cỏ gianh làm mồi.
Hội Thu cũng là chính hội vào tháng 9 âm lịch mang đậm tính chất “hội sử”. Hàng vạn khách thập phương góp mặt trong ngày hội, như câu ca dao về hội chùa Keo: Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.